top of page

Đã cập nhật: 21 thg 9, 2022

Nội dung chính:

Đặt vấn đề

Thanh tra Black

Giáo sư Stone

Wayne Clark

Kết


Đôi nét về tác giả: Fred Yager và Jan yager


Đột tử là một trong số các tiểu thuyết trinh thám được viết ra bởi sự kết hợp của vợ chồng nhà Yager. Với 13 năm trong mảng tội phạm, Fred là nhà sản xuất truyền hình kiêm viết kịch bản, ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm được dựng thành phim. Ông làm việc ở CBS News và Fte Television và là hội viên Hội nhà Văn Hoa Kỳ.


Còn Yan Yager là tiến sĩ xã hội học, thạc sĩ ngành công lý tội phạm. Bà giảng dạy môn tội phạm học ở The New School và môn viết văn ở Penn State với hơn 20 tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng. Không còn nghi ngờ gì nữa về độ uy tín cũng như cách xây dựng tâm lí các nhân vật trong truyện.



Tác phẩm


Đặt vấn đề


Hàng loạt cái chết bí ẩn mà điểm kết nối lại chính là vụ án đầu tiên. Thi thể được phát hiện trong tình trạng không mảnh vải che thân với một bông hoa cúc nhỏ xíu bằng chất dẻo được bỏ lại hiện trường. Nạn nhân là Joan Walse tiến sĩ khoa tâm lí học ở trường đại học Ferguson, 35 tuổi. Hung thủ tình nghi số 1 là nam sinh trong lớp tội phạm học cô từng giảng dạy tên là Wayne Clark, người đã nhiều lần bày tỏ sự mến mộ đối với cô qua những bức thư tình và hoa. Với tiền sử sử dụng chất kích thích và từng có tiền sử vô ý ngộ sát bạn gái cũ liệu có đủ chứng minh hắn ta là kẻ thủ ác. Độc giả sẽ theo bước chân của thanh tra Black phụ trách vụ án, lắng nghe những màn vấn đáp giữa anh và những người có liên quan để đưa ra phán đoán riêng cho mình. Đồng hành phá án với anh là người cộng sự - giáo sư Kimberly Stone, người bạn thân nhất và cũng là người phát hiện ra thi thể của Joan Walse đầu tiên.


Một trong số các cuộc hội thoại hướng người đọc đến suy nghĩ của kẻ sát nhân, liệu rằng vị hôn phu của Joan chính là người mà cảnh sát đang tìm.

"Để tôi hỏi anh một câu nữa, " Kimberly nói. "Nếu anh và tôi đang qua lại với nhau, và anh hay rằng tôi đã ngủ với một phụ nữ, anh sẽ có cảm giác thế nào?"

"Tức giận," Black đáp dứt khoát.

"Tức giận đủ để giết người?"

"Có thể," Black nói.

"Thế thì, chẳng phải vấn đề thật sự là ở đó sao?"


Hay cách mà cô nhận xét về Wayne " Như ma túy. Ma túy làm thay đổi ngay cả một tính cách lương thiện nhưng thiếu tự chủ. Những người bình thường không hại đến một con ruồi cũng trở thành những kẻ sát nhân khi thần kinh không ổn định."


Câu chuyện được bắt đầu bằng những giả định để rồi được cởi bỏ từng lớp một qua cái chết của kẻ tình nghi và kết thúc với một đáp án không ngờ đến. Hai kẻ thủ ác song song tồn tại, liệu cảnh sát có khéo léo đến mức phát hiện ra điểm khác biệt giữa các vụ án. Chung quy lại động cơ cũng là vì yêu và khao khát bảo vệ bản thân.


Thanh tra Black


Dường như mỗi nhân vật đều mang một vấn đề tâm lí trong người. Đối với thanh tra Black, anh là một kẻ nghiện công việc, 45 tuổi, từng có một đời vợ nhưng li hôn sớm. Không ai thích làm việc với anh vì anh luôn tỏ ra quá giỏi giang. Khiến họ trông thật thảm hại. Anh có một tỉ lệ cao về số vụ bắt giữ bị kết án. Anh không có bất kì người bạn nào trong ngành hay nói cách khác công việc là toàn bộ cuộc sống của anh.


Black cảm thấy mình giống như một chiến binh đơn độc đang chạy bủa từ chiến trường này đến chiến trường khác, đếm những thi thể, chuẩn bị những báo cáo, nhập vào những con số vốn sẽ trở thành những số liệu thống kê, sau đó được dùng trong những báo cáo của các chính trị gia, những nhà hoạt động xã hội, những nhà tội phạm học, và những tác giả xã luận về quân số vượt trội của cảnh sát trong cuộc chiến bất tận với tội ác thế nào.


Sự khác biệt là ở chỗ chưa có ai trong họ từng nhìn vào đôi mắt của những em bé đã chết, lau sạch máu trên thi thể của một người mẹ trẻ để tìm ra vết thương chí mạng nằm chỗ nào, hoặc bắt giữ một tên trộm nhí mười tuổi không hề có ý nổ súng và giết chết nạn nhân của mình. Không ai trong họ phải đụng chạm vào người chết và người đang hấp hối mà họ nói hoặc viết về. Có lẽ đó là điều khiến Black cảm thấy căm giận.


Giáo sư Stone


Cha mẹ kimberly mỗi hai năm lại mỗi chuyển nhà. Cha nàng là một kỹ sư và cần phải đi theo công trình. Hình như cứ mỗi lần Kimberly quen được những người bạn mới, họ lại phải chuyển đến tiểu bang khác. Kimberly sống trong nỗi sợ hãi thường trực, từ người anh trai và những lợi thế giới tính của anh ấy, từ người chị gái và sự oán giận của chị ấy vì vẻ ưa nhìn và được yêu mến hơn của Kimberly. Cô đã thú nhận với chị gái mình từng bị anh trai lạm dụng nhưng bố mẹ chỉ phớt lờ, đến khi họ tin, họ chỉ trách mắng là tại sao cô lại quá thân thiện với ảnh.


Kimberly đã có một mối quan hệ rất đặc biệt với bà nàng, ở cách ngôi nhà đầu tiên của nàng trong một thị trấn nhỏ ở Monroe, Pensylvania một phần tư dặm. Kimberly và mẹ không bao giờ hòa thuận với nhau, bà ấy còn vui khi không phải thấy cô ở trong nhà. Nhưng ở bên bà, nàng cảm thấy bình yên và được đón nhận vô điều kiện.



Wayne Clark


Gã sinh ra trong một gia đình đông anh chị em. Khi còn nhó, gã là một đứa trẻ khó tính, khóc nhai nhải không ngừng, luôn khao khát sự quan tâm. Nếu nó không làm được bằng cách này nó sẽ thử cách khác. Khi cha mẹ bận làm việc thì gã được giao phó cho anh chị chăm sóc. Đến một ngày người anh thứ hai vì quá mỏi mệt với tiếng khóc của nó, bỏ nó trong buồng riêng và để mặc nó cả ngày. Kể từ đó, Wayne cư xử như một đứa trẻ hoàn toàn khác. Nó lặng lẽ và lãnh đạm, luôn phục tùng và luôn phiền muộn. Những cơn thịnh nộ đã biến mất nơi nó, cả những nụ cười cũng vậy. Cậu ta không có bạn bè và hầu hết thời gian chỉ thui thủi một mình, đọc sách hoặc xem tivi. Cậu ta đã hình thành chứng nghiện nhũng câu chuyện và chương trình cảnh sát, Tội ác và trừng phạt đã trở thành niềm say mê của cậu ta.


Một ngày nọ, ngay trước ngày bế giảng năm cuối trung học, gã tình cờ bắt gặp Lisa đang đi bộ về nhà. Gã hỏi cô có muốn lên xe để gã chở đi không, nhưng cô nàng vênh mặt trong một cử chỉ gần như kêm kiệu. Wayne quay đầu xe và bắt đầu rượt theo cô. Cô bé lao qua cánh đồng, trượt chân ngã và bị bánh xe của gã cán qua người. Người ta tìm thấy thi thể dập nát của cô bé nằm chẹt dướt xa gã, Vì gã đã không bỏ chạy khỏi hiện trường tai nạn, mọi người tin rằng đó là rủi ro, một trò chơi diều hâu bắt gà ngu xuẩn của bọn thanh thiếu niên đã bị sơ sẩy. Gã bị phạt treo bằng lái xa một năm và hai năm đi khám bác sĩ tâm lí trị liệu theo chỉ thị của toàn án. Sau đó gã rơi vào con đường nghiện ngập, dùng ma túy ảo giác thường xuyên.


Kết


Tiểu thuyết cũng nhiều lần để lộ ra suy nghĩ của hung thủ qua những lần theo dõi nạn nhân của mình, những màn độc thoại nội tâm xuyên suốt tác phẩm cũng đủ thấy gã là một kẻ có vấn đề về mặt tâm lí hay cũng đã từng bị lạm dụng.

"Hãy để tôi yên. Tôi không muốn. Đừng chạm vào chỗ đó của tôi. Đau quá. Các người đang làm đau tôi. Tôi không thể. Đừng bắt tôi làm thế." "Dừng lại đi! Làm ơn. Mẹ ơi. Cứu con. Mẹ ơi. Đừng để họ dày vò con. Mẹ ơi." Tên sát nhân giật mình choàng tỉnh.

Mỗi tội ác đều có khởi nguồn, mỗi kẻ ác đều có quá khứ bất hạnh. Mỗi nạn nhân đều có đời tư phức tạp hơn ta tưởng nhưng đón nhận cái chết không bao giờ là đều dễ dàng.


Đau

Đau là chứng kiến những người bạn quan tâm đang đau

Đau là mất đi đứa con gái bé bỏng

Đau là bỏ rơi bạn bè cùng những nỗi đau lại sau lưng

Đau là cảm thấy bạn không bao giờ được mãn nguyện

Đau là cảm thấy mất mát

Đau là cảm thấy.

Đau.

Hạn Vũ

24 lượt xem0 bình luận

Mình nghĩ thứ quan trọng nhất trên thế giới này mà ai cũng đã từng khao khát đó là cảm giác yêu và được yêu. Ở mỗi giai đoạn nào trong cuộc đời thì tình yêu cũng sẽ đến với nhiều hình dạng và tính chất khác nhau, tùy theo nhu cầu của mỗi con người. Nhưng không hiểu vì sao càng lớn chúng ta lại càng ít cảm nhận được tình yêu, để thỏa mãn bản thân và xua tan đi nỗi cô đơn, chúng ta có thể dùng tiền để mua một đêm bên ai đó.

Vậy cuộc sống của những người thực hiện trao đổi trên sẽ thế nào, họ có suy nghĩ gì về tình yêu? Thì trước khi chọn một nghề nào đó, ai cũng phải có suy nghĩ rất lâu mà. Mình không biết nữa có bao giờ họ hối hận không nhỉ?




1 phút để đưa ra quyết định cuộc đời, 11 phút thực hiện điều đó và mất cả triệu thời gian để suy nghĩ đúng hay sai. Như Maria đã từng nghĩ tiền là một động lực nhưng nó có là tất cả không? Hay mọi người ở trong cuộc buôn bán đó – những khách hàng và những người phụ nữ, chỉ muốn thỏa mãn bản thân họ theo một cách nào đấy? Có phải thế giới này quá khác so với những gì mà chúng ta được dạy ở trường? Những cuộc vui kéo dài vỏn vẹn 11 phút đó đủ sức hút với mọi người và họ sẵn sàng chi trả một cái giá rất cao cho điều đó.

“Ba trăm franc Thụy Sĩ một ngày, năm ngày mỗi tuần. Cả một gia tài! Tại sao những người phụ nữ kia vẫn tiếp tục công việc đó khi họ có thể kiếm đủ tiền trong vòng một tháng để trở về nhà và mua một ngôi nhà mới cho cha mẹ họ? Hay họ chỉ làm công việc đó trong một thời gian ngắn thôi? Hay là – và Maria thấy sợ với điều băn khoăn của chính mình – họ thích công việc đó?”

Nội dung chính:

Tình yêu

Sự tự do


Tình yêu


Quyển sách bàn nhiều khía cạnh liên quan đến tình yêu, cả những góc khuất đen tối nhất: sắc dục. Có những dạng tình yêu ngây thơ khi ta còn bé mà Maria vẫn nhớ mãi: đó là hình ảnh cậu bé cô thầm thích chủ động mượn cô cây bút chì nhưng cô chỉ im lặng tránh né. Khi cậu chuyển nhà đi đột ngột, cô nhận ra đã bỏ lỡ một cơ hội và biết mình ngu ngốc biết bao. Lúc nhỏ ấy mà, ta luôn muốn mọi thứ diễn ra như một câu chuyện cổ tích, có lẽ cô chỉ thất vọng và phát cáu vì cách tiếp cận tẻ nhạt thế này.

Hay như lời của một chủ cửa hàng si mê cô đã từng nói trước khi Maria lên đường sang Thụy Sĩ lập nghiệp: “Nếu em trở về, tôi vẫn sẽ đợi em. Tôi đã để lỡ cơ hội nói với em một điều rất giản dị: Tôi yêu em. Bây giờ, có thể là quá muộn nhưng tôi muốn em biết điều đó.” Suốt một thời gian dài trong những tháng ngày lạc lối, cô tin một ngày nào đó mình sẽ quay lại quê hương Brazil mua một trang trại, cô vin vào cái điều người đàn ông này nói, rằng có ai đó đang đợi cô về và người đó muốn cưới cô.



Cuộc đời quá ngắn ngủi, hay quá dài, để ta cho phép bản thân mình được hưởng sự xa hoa của cuộc sống tồi tệ như thế này. Đến một giai đoạn cuộc đời, bạn sẽ nhận ra không ai quanh mình thật sự hạnh phúc cả. Maria ghét việc mình đang làm, nó hủy hoại tâm hồn, khiến cô đánh mất cảm giác về chính mình, dạy cho cô rằng đau đớn là một phần thưởng, rằng tiền mua được mọi thứ và bào chữa cho mọi điều. Những khách hàng biết họ đang trả tiền cho một thứ mà đáng ra là được miễn phí, và đó là nỗi chán chường. Những phụ nữ biết rằng họ phải bán một thứ mà họ sẽ thích cho đi cả khoái lạc và bệnh tật, nó có tính hủy hoại. Cô không thể đơn giản là không làm gì cả và giả vờ như tất cả đều bình thường, rằng nó chỉ là một thời kì, một giai đoạn trong cuộc đời. Maria muốn quên nó, cô cần phải yêu – đó là tất cả, cô cần phải yêu.


Đôi khi mình cũng hay tự nghĩ người ta tìm kiếm điều gì ở tình yêu mà ai cũng có vẻ như đã từng mất mác nó và lại khao khát tìm lại. Người ta có nghĩ đến đau đớn và khoái lạc không? Vì lẽ dĩ nhiên tình yêu gắn liền với tình dục mà nghệ thuật của tình dục là nghệ thuật của sự phóng túng được kiểm soát. Có lẽ trong sự đau đớn họ tìm thấy được hạnh phúc và tự do như việc Eva đã không cưỡng lại được cám dỗ mà ăn trái cấm. Có những người đã đi rất sâu, đến những chỗ đen tối nhất của con người và không có cách nào dừng lại sự khao khát đó. Trả giá cho những tội lỗi của một người và trừng phạt cho những người phạm tội khác không phải là điều hấp dẫn phải không? Cái cách đi vào sự đau đớn và khoái lạc, những trò tàn bạo, sự khổ dâm nhưng lại không nhận thức được rằng họ đang sử dụng nỗi đau một cách sai lầm, và đó là điều rất tồi tệ. Đôi khi hiểu được cái đẹp của nỗi đau, vượt qua biên giới của thân xác, ta có thể tìm thấy ánh sáng linh hồn, nhưng nó phải đến từ nỗi đau do tự nhiên gây ra chứ không phải nhân tạo.


Mình đồng ý với quan điểm “có những nỗi đau hiển hiện và có thể chỉ bị lãng quên khi chúng ta vượt lên trên chính nỗi đau của mình.”


Sự tự do


Có lần trong một chuyến bay đêm, mình nhìn ra ngoài cửa sổ và thấy lấp loáng ánh đèn chi chít phía dưới, đô thị rực rỡ xa hoa phút chốc chỉ là những đốm sáng mờ mờ ảo ảo. Khi ở độ cao trên 2000m, mình chỉ nghĩ mình đang ở trong mây, nếu mình có cánh và bay được thì thế nào. Không gian bên trong này thật chật chội. Trong cuộc đời, mình ước gì mình có thể đạt được cảm giác không phụ thuộc, một sự tự do tuyệt đối. Trong một mối quan hệ, mình không bao giờ mất ai cả vì không ai sở hữu ai, mà đơn giản đó là sự lựa chọn bởi quyền tự do. Và trong cuộc hành trình tìm kiếm hạnh phúc, tất cả chúng ta đều bình đẳng như nhau: không có ai trong chúng ta được hạnh phúc. Còn yêu thế nào để tự do sẽ được định nghĩa thế nào? Paulo Coelho đã kể một câu chuyện như thế này trong quyển sách 11 phút.



Từ rất lâu rồi, có một chú chim. Vẻ đẹp lộng lẫy của chú khiến cho một người thiếu nữ vừa nhìn đã phải lòng. Miệng cô há to vì ngạc nhiên, trái tim cô đập mạnh, đôi mắt sang ngời hứng khởi, phấn khích. Cô ngưỡng mộ tôn sùng và rồi cô lo sợ, sợ rằng cô sẽ không còn có được những xúc cảm ấy với một chú chim khác. Và cô ghen tỵ với khả năng bay lượn của chú. Cô đặt một cái bẫy. Chú chim cũng đang yêu quay trở lại vào ngày hôm sau đã rơi vào bẫy và bị nhốt lại trong một cái lồng. Nhưng rồi một sự biến đổi kì lạ đã xảy ra, khi đã sở hữu chú và không cần phải theo đuổi chú nữa, cô bắt đầu mất đi hứng thú. Còn chú chim, đánh mất đi ý nghĩa của cuộc đời trở nên gầy yếu, xấu xí rồi chết đi.

Người phụ nữ buồn khổ vô cùng và dành thời gian nghĩ về chú chim đã từng đẹp đẽ đến nhường nào. Có lẽ chúng ta biết được ai là kẻ ích kỉ trong câu chuyện trên. Nếu cô cứ để chú chim đến rồi đi thì chắc hẳn cô sẽ yêu và ngưỡng mộ chú còn nhiều hơn. Một người nếu như không được sống như vốn dĩ nó phải thế rồi cũng sẽ lụi tàn và chết đi như chú chim kia.


Cũng giống việc khi yêu ai đó đừng kì vọng bất cứ đều gì, đừng nghĩ nhiều đến tương mà cứ sống trong hiện tại, cũng đừng ép buộc ai đó phải thay đổi vi mình. Có như vậy chúng ta mới đang tạo ra những hồi ức tốt đẹp. Nói theo cách thông thường thì mọi chuyện trên đời đều có lí do của riêng nó, người chúng ta gặp là những người chúng ta phải gặp, chúng ta cần chết và cần được tái sinh đầy cảm xúc.



"Những cuộc gặp gỡ đang chờ đợi chúng ta, nhưng một cách thường xuyên, chúng ta đã tránh không cho chúng đến. Cho dù, nếu chúng ta tuyệt vọng, nếu chúng ta không có gì để mất, hoặc nếu chúng ta tràn đầy nhiệt huyết với cuộc sống, thì bản thân những tiết lộ chưa được biết tới đó và cả thế giới của chúng ta đều đổi hướng.
Mọi người đều biết yêu như thế nào, bởi tất cả chúng ta đều được sinh ra với món quà tình yêu. Một số người có tài năng bầm sinh về lĩnh vực này, nhưng phần lớn chúng ta đều phải học lại, để ghi nhớ cách yêu, và mỗi người, không có ngoại lệ, đều cần phải thắp lên những đống lửa mừng của cảm xúc đã qua, để làm sống lại những niềm vui, nỗi buồn, những thăng trầm, cho tới khi họ có thể thấy được sợi dây kết nối vẫn tồn tại ẩn sau mỗi cuộc đối đầu mới; bởi vì luôn có một sợi dây kết nối như thế.”

Hạn Vũ

36 lượt xem0 bình luận

Tràn ngập không khí, màu sắc của tuyến truyện là những màn độc thoại nội tâm và suy nghĩ của Cousin về những vấn đề xã hội và con người. Ông cô đơn giữa lòng Paris khi xung quanh có những 10 vạn người. Chính ông cũng nhiều lần khao khát thể hiện nhu cầu cần được ôm và có ai đó để yêu thương. Sự cô đơn gặm nhắm tâm hồn dẫn đến chuyện ông đồng cảm và muốn nuôi dưỡng Quấn Quít – một chú trăn ông mua được trong chuyến du lịch của bản thân.


Có lẽ bài học sâu cay rút ra được từ cuộc đời của ông Cousin chính là: “Tình yêu thiếu trao đổi thì không được, những bức thư nho nhỏ ngọt ngào ta trao gửi nhau. Có lẽ tình yêu là hình thức đối thoại đẹp đẽ nhất đã được con người sang tạo ra để đáp lại chính mình.” Đừng quá thu mình vào trong mà hãy mở rộng tâm hồn để quan tâm đến nỗi đau của người khác: “Vây quanh mỗi vị là hàng triệu người, cô đơn đấy chứ đâu. Hãy bớt nghĩ về mình chút đi. Nghĩ đến họ ấy, đến tất cả những nhọc nhằn họ phải chịu để mà sống, quý vị sẽ thấy dễ chịu hơn. Để sống dễ thở hơn, không bỏ qua tình anh em được đâu.”


Nội dung chính:

Tại sao Cousin lại nuôi trăn?

Những mối quan hệ đứt gãy trong đời



Tại sao Cousin lại nuôi trăn?


Giới thiệu một chút về nhân vật Cousin này. Ông ta đã 37 tuổi có nghề nghiệp ổn định, ông làm trong văn phòng thống kê. Mỗi ngày đều đặn lặp lại với công việc trên máy IBM. Từ nhỏ cha mẹ ông đã mất trong một vụ tai nạn và ông phải chuyển đến sống hết nhà này đến nhà khác, cảm giác cô đơn và thiếu thốn tình yêu luôn tồn tại trong lòng dẫn ông đến việc làm quen và yêu thích những con số. Khô khan là thế nhưng thỉnh thoảng người ta cũng bắt gặp ông tự mình siết chặt chính mình, tự ôm mình, gần như tự ru mình. Đó là một thói quen từ thuở bé.


Ông chia sẻ: “Có Quấn Quít cạnh bên, tôi thấy mình khác biệt, thấy mình được chấp nhận, có hiện diện vây quanh. Tôi không biết người khác làm thế nào, phải giết cha giết mẹ có khi. Lúc một con trăn quấn quanh bạn, gì chặt hông bạn, vai bạn, và gục đầu vào cổ bạn, bạn chỉ cần nhắm mắt lại là thấy được yêu thương đầy trìu mến. Đó là hồi kết cái không thể, thứ tôi toàn tâm khao khát. Cũng phải nói là tôi, tôi muôn đời hụt tay. Hai cánh tay của tôi, là hư không. Tôi cần thêm hai cái nữa bao bọc. Cái này với các loại vitamin ta vẫn gọi là tình trạng bị thiếu.”


Đây thật ra cũng là một nhu cầu rất đỗi bình dị, nhu cầu chứng tỏ bản thân rằng ta có tồn tại, ta cũng sở hữu một cái gì đó đặc biệt. Tất nhiên nó không tích cực lành mạnh mấy nhưng cũng đỡ gây ấn tượng so với các vụ án giết người, xả sung hàng loạt trên đường phố. Tuy nhiên cũng để lại những hậu quả cho hàng xóm khi Quấn Quít vô tình thoát ra ngoài qua đường ống nước. Rủi thay bà Champjoie du Guestard chạm trán rồi ngất xỉu đến mức phải nhập viện. Còn ngoài ra thì nó vô hại.


Phải nhắc lại rằng nuôi trăn có những mặt lợi. Quả thật không có gì êm ái và tuyệt diệu bằng một nhu cầu tự nhiên được toại nguyện. Khi ta cần một cái ôm ghì để được lấp đầy ở những chỗ hổng, nhất là quanh vai với hõm lưng, và khi bạn ý thức quá rõ về hai tay thiếu hụt, thì một con trăn hai mét lập nên kì tích.


Những mối quan hệ đứt gãy trong đời


Ông Cousin có cảm tình với cô Dreyfus nhưng lại không dám ngỏ lời. Mỗi ngày đi làm cả hai cùng chạm mặt ở thang máy nhưng chỉ trò chuyện vài câu ít ỏi, phần lớn mọi suy nghĩ đều diễn ra trong đầu của Cousin. Với ý nghĩ cô hay im lặng là do cô thẹn và cô cũng quan tâm lại mình, ông còn nghĩ cả hai sắp đám cưới đến nơi nếu ông nói ra tâm ý. Cho đến ngày Cousin mang theo nhành hoa quyết định sẽ tặng cô nhưng cũng nhận được tin cô nghỉ làm rồi.



Đúng hôm đó, Cousin cũng tìm được niềm vui: “Tôi ngây ra vì môt kiểu hạnh phúc, bởi cô không ở Guyane và mọi thứ bỗng trở nên có thể, có thể đạt được và có thể chạm vào, chúng tôi cuối cùng có thể gặp lại nhau trong sự bình dị lớn lao nhất. Cuối cùng cũng có một đức Chúa lòng lành ở chốn thổ tả này.”

May mắn hay xui rủi thì chưa biết, Cousin không tỏ ý khinh miệt cô Dreyfus khi tình cờ gặp ở chốn đèn đỏ này, còn ngỏ lời:


-Đáng lẽ mình phải hỏi em từ trước, nhưng giờ mình biết nhau nhiều hơn…Cô có muốn đến sống với mình không? Mình sẽ mang trăn cho vườn thú.

-Không, anh thật tử tế, nhưng tôi trọng tự do của mình…Tôi đến đây là vì tôi thích.


Cousin về nhà, sắp xếp lại suy nghĩ và trong lúc không bình thường nhất ông đã nuốt tuần tự từng con chuột một, sau đó cuộn mình lại trong một góc và chợp mắt. Dường như Cousin đã cho mình hóa thân thành Quấn Quít. Một con trăn thứ thuộc về tự nhiên bị giam hãm trong bốn bức tường chốn phồn thị Paris, vẫn thiếu thốn tình thương. Cuộc gọi nhỡ vang lên, giọng con gái ở đầu dây khiến Cousin mỉm cười hồi lâu không đáp, khoảng thời gian mà Cousin hóa thân thành một người nào đó tên Jeannot người yêu của cô gái kia.



Xuyên suốt tác phẩm là nỗi cô đơn và lập dị của Cousin, ông không hòa nhập được với đồng nghiệp và không có nổi lấy một người bạn để sẽ chia. Cuộc sống cô độc, nhàm chán đã làm cho người đàn ông trung niên buồn tủi tự hóa thân thành một con trăn, vẫn tiếp tục duy trì lối sống trước đây và tương lai không gì đổi khác. Có lẽ ông chỉ tồn tại thôi như phần đông chúng ta, lặp lại những công việc hằng ngày như một cỗ máy chứ chưa từng sống dù chỉ một lần.


Hạn Vũ

74 lượt xem0 bình luận
bottom of page