Một Cuộc Đời – Ghi Đơ Môpatxăng
Nếu có một nhà văn nào nhiệt thành trong tình yêu thiên nhiên thì phải kể đến Môpatxăng. Xuyên suốt tác phẩm của ông, rất nhiều lần người đọc chạm được những đoạn miêu tả cảnh thiên nhiên ước lệ với đầy hình ảnh tượng trưng, đặc sắc cho vùng quê nước Pháp.
Khung cảnh chiều tà hiện ra dưới ngòi bút của Môpatxăng: “Mặt trời đã lặn. Phía xa, chuông nhà thờ đổ hồi. Trong một xóm làng nhỏ, đèn đường đã thắp. Bầu trời đầy sao sáng rực lên. Qua từng đoạn hiện lên những ngôi nhà sáng đèn như những đốm lửa xuyên qua bóng đêm. Xe vừa qua khỏi một con dốc thì mặt trăng to, đỏ lừ, trông như còn ngái ngủ, bỗng đột ngột ló ra sau rặng cây tùng.” Hay như đoạn kể: “...một bãi cỏ rộng, trong ánh sáng đêm trông vàng như màu bơ. Hai cây rất to mọc sừng sững ở hai góc phía trước lâu đài, hướng Bắc là một cây ngô đồng, hướng Nam là một khoảng rừng nhỏ gồm 5 hàng cây du cổ thụ che cho cả khu nhà, chống lại những cơn bão ngoài khơi. Gió biển luôn thổi rất mạnh đã vặn xoắn, cắt ngắn, gặm mòn và xén vát đi như một mái nhà những rặng cây du đó. Ở hai phía trái và phải khoảng rộng trông như một công viên đỏ, mọc hai hàng dài bạch dương mà ở xứ Noócmăngđi này người ta gọi là những cây Pơpiơ, hai hàng cây ấy ngăn cách tòa nhà của ông bà chủ với hai cái ấp cho thuê nằm sát hai bên, một ấp là của bác tá điền Cuia, ấp kia là của bác tá điền Maetanh.
Vì hai hàng cây đó, tòa lâu đài này được đăt tên là Bạch Dương. Phía bên kia trang trại, trải rộng một cánh đồng bỏ hóa, điểm lác đác những cây hoa kim tước, suốt ngày đêm vù vù gió thổi.”
Nội dung chính

Bản chất quý tộc
Lâu đài Bạch Dương được miêu tả trên chính là bối cảnh chính xuyên suốt cả câu chuyện. Nơi chứng kiến câu chuyện cuộc đời của cô chủ Jan. Cô sinh ra trong một xã hội mà giới quý tộc đang dần trở nên suy đồi. Đó là hình ảnh ông bà tử tước Brizơvin đối xử với nhau trịnh trọng như thể với người xa lạ; gặp một chuyện cỏn con vô nghĩa nhất, họ cũng bàn bạc với nhau một cách rất đường bệ. Có lần hai vợ chồng Jan ghé thăm lâu đài của ông bà Catowliê nổi tiếng quyền quý nhất tỉnh. Cả hai đều thuộc loại người chuộng nghi thức mà tất cả, từ trí tuệ, tình cảm đến lời ăn tiếng nói của họ đều kênh kiệu như những bước chân của người đi cà kheo vậy. Họ cướp lời, tranh phần nói của người khác; hỏi mà chẳng cần lắng nghe, mỉm cười một cách thờ ơ, lúc nào cũng như đang thực hiện chức năng của con người cành vàng lá ngọc hạ cố tiếp đãi lịch sự những tay quý tộc đàn em ở quanh vùng.

Hay như bản chất của tử tước Đờ Lama, chồng của Jan. Hắn đã lấy đi số tiền hồi môn mà mẹ đã cho nàng và luôn miệng ám thị phải tiết kiệm. Tính keo kiệt của y được thể hiện qua lời nói: “cho thằng hầu hai mươi xu là đủ lắm rồi, phải không em?” Ngoài ra, y còn là kẻ tàn bạo khi thẳng tay tát mạnh vào chú bé Mariuyx, thẳng tay đấm lia lịa lên đầu nó khi không hài lòng cung cách làm việc của cậu bé. Hắn tỏ ra keo kiệt một cách dữ tợn; không bao giờ thưởng thêm tiền cho người hầu kẻ hạ và đã rút khẩu phần ăn xuống mức tối thiểu cần thiết.
Tình yêu sai trái
Cơn biến cố gây ra đau khổ nhiều nhất cho Jan đó là sự phản bội của Juyliêng chồng nàng. Hắn đã ăn nằm với cô tớ gái Rôzali. “Dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn lửa đang tàn trong lò sưởi, nàng nhìn thấy đầu Rôzali đang đặt trên gối bên cạnh đầu chồng mình. Nàng kêu thét lên một tiếng.” Nhưng với lòng độ lượng và dễ tha thứ, nàng bỏ qua mọi chuyện. Cô hầu lúc này đã có con được thu xếp một tấm chồng và dọn đi nơi khác.
Cứ tưởng mọi sự yên lành, Juyliêng lại một lần nữa gian díu với vợ bá tước Fuốc-vin. Khi tình cờ biết chuyện, nàng vẫn giữ một thái độ đửng dưng vì lúc này Jan đã hoàn toàn không còn tình yêu nào với chồng. Thứ duy nhất giữ cô lại trong mối quan hệ này đó là đứa con trai Pôn. Và dĩ nhiên nàng dửng dưng cho qua chuyện. Trong khi đó, phản ứng của ông Fuốc-vin lại hoàn toàn khác. Cơn giận dữ đã đánh mất đi lí trí và khiến ông điên tiết muốn ra tay trừng trị hai kẻ lăng loàng kia. Vào một ngày trời mưa gió, ông đã ngụy tạo ra một tai nạn dẫn đến cái chết của hai kẻ đáng trách.
Sự mất mác to lớn đó khiến Jan đặt toàn bộ tình yêu vào đứa con bé bỏng của mình và nhất mực nuông chiều nó. Nàng luôn muốn giữ con ở cạnh mình đến nỗi khó lòng lắm mới chịu để nó đi học xa nhà. Tuy thế nàng vẫn đến thăm con thường xuyên và luôn đáp ứng tất thảy mọi yêu cầu của con. Chính vì thế, khi đã khôn lớn cậu ta vẫn giữ thói bốc đồng nợ tiền chồng chất còn bỏ theo một cô gái xa lạ.
Nỗi đau của Jan còn được khắc họa ra nét qua việc cô phát hiện mẹ mình cũng từng ngoại tình và che giấu sự thật suốt một thời gian dài. Người mà cô kính trọng và yêu thương nhất cũng lại là người mang đến cho cô nỗi thất vọng ê chề.

Xuyên suốt chiều dài câu chuyện, ta thấy được những diễn biến tâm lí của Jan khi còn là cô gái 17 tuổi hồn nhiên, ngây thơ vội vã sa vào lưới tình đến hình ảnh một bà lão già nua, kém sức sống chờ đợi đứa con duy nhất trở về. Dường như cả nguồn sống trong Jan đã cạn kiệt khi trải qua nhiều biến cố trong đời, Jan không còn đủ sức phản kháng nữa mà buông xuôi với nghịch cảnh. Ngược lại, Rôzali vẫn còn khỏe mạnh, hồng hào, cân đối đã quay lại chăm sóc cho tâm hồn và thể xác héo hon của Jan. Khi nghe Jan than vãn về số phận mình, Rôzali liền bảo: ”Bà sẽ nói sao nếu bà phải làm việc để có được miếng ăn, nếu bà bị bắt buộc ngày nào cũng phải dậy từ 6 giờ sáng để làm quần quật suốt ngày! Có nhiều người đã phải làm như vậy và đến khi họ già lão thì họ chết đói.”
Hạn Vũ