Lối Sống Tối Giản Của Người Nhật
Đã cập nhật: 20 thg 9, 2022
Phong cách sống tập trung vào những điều quan trọng nhất trong đời, giản lược những thứ không cần thiết
Click vào banner này nếu bạn muốn mua hàng
Nội dung chính

Ảnh minh họa: Hạn Vũ
Đối lập với phong cách Maximalism (more is more) đề cao việc càng sở hữu nhiều đồ đạc càng tốt, thì phong cách tối giản minimalism hướng đến việc lược bỏ đồ đạc. Đồ đạc ít, hanh phúc nhiều. Lối sống vật chất cho ta cái nhìn rằng mọi thứ đều có thể mua được bằng tiền. Chúng ta cũng nhận định giá trị người khác thông qua số tiền mà họ kiếm được. Vậy chúng ta có mua được tình cảm của con người như những món hàng hóa không? Nếu đến cả tình cảm mà cũng mua được thì có lẽ việc mua hạnh phúc cũng chẳng khó gì. Vì vậy, hãy kiếm thật nhiều tiền thôi.
Nhưng bạn có nhận thấy dù có cố thể hiện bản thân bằng cách sắm nhiều đồ đến đâu, bạn vẫn thấy thật khốn khổ khi so sánh với người khác. Hàng ngày, các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội tấn công ta bằng những thông điệp: Hãy kiếm thật nhiều tiền, hãy giảm cân nhiều hơn, hãy vào học trường tốt, sống trong ngôi nhà tiện nghi, hãy sống cuộc sống lành mạnh, hãy chiến thắng trong các cuộc cạnh tranh, hãy ăn mặc thời trang hơn, trưởng thành hơn, hiểu biết hơn và hãy đề phòng những bất trắc xảy đến bất cứ lúc nào…Và hậu quả là nếu ta cứ sống là bản thân ở hiện tại thì không thể chấp nhận được. Bạn có vui nỗi với suy nghĩ này không?
Suy nghĩ đúng về lối sống tối giản
Nếu đồ đạc của bạn không thể gói gọn lại trong một chiếc vali nhỏ bé thì bạn không phải người tối giản. Nếu bạn sắm cho mình một chiếc xe hơi đắt tiền, một ngôi nhà rộng lớn thì bạn không phải người tối giản. Có đúng vậy không? Thực sự thì chưa có quy định như vậy về lối sống tối giản. Nhưng theo Sasaki Fumio, người sống tối giản là người thực sự hiểu rõ cái gì cần thiết với mình. Người biết giảm bớt đồ đạc vì những thứ thực sự quan trọng. Không có quy định nào cho rằng bạn không phải là người sống tối giản nếu có trên 100 đồ dùng.

Ảnh minh họa: Hạn Vũ
Nếu mang bản thân đi so sánh với những người vô gia cư không có sở hữu món đồ gì thì những người có nhà cửa ổn định như chúng ta sẽ còn lâu mới tiến tới khái niệm người sống tối giản.
Vì mỗi người đều có những thứ quan trọng khác nhau nên quá trình cắt giảm đồ đạc cũng khác nhau. Tuy nhiên lối sống tối giản không phải là mục đích mà chỉ là phương tiện giúp chúng ta nhận rõ đâu mới là điều thực sự có ý nghĩa trong cuộc sống.
Ngày nay khi mà mọi thứ đều ngày càng trở nên phức tạp thì trào lưu tối giản dần được lan rộng sang các vấn đề khác chứ không gói gọn trong việc cắt giảm đồ đạc. Đơn cử như việc bạn có thể thay đổi suy nghĩ về cách sử dụng thông thường của đồ đạc. Bạn chỉ cần trải tấm chăn bông lên ghế sofa, kê gối lên là đã có ngay một cái giường sô pha tiện lợi.
Ích lợi của việc sống tối giản
Bạn khao khát sở hữu một chiếc váy ôm sát người màu trắng và đã tốn không ít tiền để mua nó nhưng sau hơn 10 lần mặc, độ yêu thích đối với món đồ lại giảm đi đáng kể. Đó chính là tác hại của thói quen. Chúng ta đã quen với những món đồ mong ước mà mình có trong tay. Dần dần, thói quen sẽ trở thành điều hiển nhiên, và cuối cùng ta sẽ cảm thấy chán ngấy.
Bản chất của hệ thần kinh con người là luôn kiếm tìm sự thay đổi kích thích nên sau thời gian chán ngán với cái váy trắng đấy, ta lại lao nhanh vào mua vội một món đồ khác. Vòng lặp cứ thế tiếp tục.

Ảnh minh họa: Hạn Vũ
Việc chọn lối sống tối giản có thể đưa bạn đến tự do và choáng tâm trí bạn với suy nghĩ bạn không thiếu thứ gì cả. Hãy thử nghĩ xem nếu bạn có vài bộ đồ, một chiếc máy tính xách tay, một cái bàn và chiếc ghế sô pha dùng làm giường ngủ luôn thì tâm trí bạn sẽ ít có thứ để mà phân tán, bạn có thời gian tập trung vào công việc hơn khi giảm thiểu thời gian dọn dẹp nhà cửa. Bạn cũng chẳng mất công tìm kiếm đồ đạc bị thất lạc hay thậm chí giải quyết vấn đề quên đồ vì mọi thứ đều đã được bỏ gọn vào trong chiếc ba lô bạn mang trên người.
Các nghiên cứu não bộ cũng chỉ ra rằng chỉ có lúc con người không làm gì cả, thảnh thơi thư giãn thì hoạt động của não bộ mới theo chế độ mặc định. Chế độ này cho phép chúng ta nhìn nhận lại chính bản thân và không xuất hiện khi chúng ta suy nghĩ hay làm một việc gì đó. Đồng thời việc sở hữu nhiều thời gian rảnh cũng khiến chúng ta hạnh phúc hơn thông thường. Bạn không thể tận hưởng được niềm vui thú trong chuyến tham quan chỉ kéo dài vỏn vẹn 15 phút ở viện bảo tàng đúng chứ?
Chúng ta đừng nên nghĩ đến chuyện trở nên hạnh phúc mà hãy cảm nhận hạnh phúc ngay ở hiện tại, ngay bây giờ.
Hạn Vũ