top of page

Review Sách Mặt Dày Tâm Đen pdf

Đã cập nhật: 5 thg 10, 2021



Khi người ta gặp phải một vấn đề nào đó, người ta sẽ chỉ suy nghĩ đến cách giải quyết và bị ám ảnh bởi nó. Ví dụ nếu như bạn đang gặp phải vấn đề về tình yêu chẳng hạn, bạn sẽ đọc các loại sách như quyển làm thế nào để thôi nghiện một ai đó.


Đã có một quãng thời gian dài, mình bị mắc kẹt trong mớ suy nghĩ phải đảm bảo tính nhất quán trong hành động của bản thân, những gì bản thân nói ra phải tuyệt đối làm đúng.


Nếu không thể như thế, nếu buộc lòng phải rời bỏ mối quan hệ mà mình sẽ tuyên bố gắn kết mãi mãi, bản thân mình sẽ sụp đổ vì niềm tin mình tạo dựng trước đây có nguy cơ đánh mất. Mình gặp khó khăn để thoát khỏi nó và cứ liên tục đóng vai người bị hại đáng thương trong một số mối quan hệ. Mình tuyệt vọng muốn rời đi nhưng lòng thì nặng trĩu, cứ mãi mắc kẹt trong chúng.


Rồi tình cờ mình biết đến quyển “Mặt dày tâm đen” của Chin-Ning Chu. Quyển sách đã giải thoát mình khỏi tư tưởng trên và tìm đến sự thanh thản cần có. “Bạn sẽ học được rằng bằng cách xây dựng một sự tàn nhẫn không thể lay chuyển, bạn sẽ có sự tự do cần thiết để thành công trong việc thực hiện các nhiệm vụ của cuộc đời bạn.”


1. Nên hiểu thế nào về Mặt Dày – Tâm Đen?


Thú thật với các bạn, đây là lần đầu tiên mình biết đến khái niệm này nên dễ hiểu nó gợi lên trong mình sự tò mò, chú ý và thích thú. Tên bìa sách lạ này có cái gì đó làm mình bận tâm.


Chính tác giả cũng đã nói “Mặt Dày, Tâm Đen không phải là việc thành thạo một kỹ năng cụ thể, cũng không phải một điều tôi có thể trao cho bạn. Nó là sức mạnh nội tâm và trạng thái tự nhiên của con người thật của bạn, nơi mà niềm vui tuyệt đối, lòng dũng cảm và lòng trắc ẩn là một phần không thể tách rời của bạn.”


Người mà sở hữu mặt dày tâm đen có thể mặc kệ định kiến, cái nhìn không hay của người khác về mình, tạo ra lớp vỏ che giấu suy nghĩ thật của bản thân và đồng thời áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác, không từ thủ đoạn để đạt được cái mà mình muốn.


Mình cũng nghĩ tư tưởng này có cái gì đó không đúng, nó trái với đạo đức mà mình được dạy ở trường. Bạn phải là một người tử tế và luôn thân thiện với mọi người. Quyển sách một lần nữa chỉ ra “đức hạnh, trái với điều hầu hết mọi người nghĩ, không phải là những thứ bạn khoác lên mình để trình diện công chúng.”


Câu chuyện về cô gái điếm và thầy tu sẽ minh chứng điều này. Có một tu sĩ sống bên kia đường đối diện nhà của một cô gái điếm. Mỗi ngày ông nhìn cô gái khi tiếp đón các vị khách ra về bằng sự ghê tởm. Mỗi ngày, vị tu sĩ tưởng tượng và suy nghĩ về những hành động đáng hổ thẹn diễn ra trong phòng cô gái điếm, và trái tim của ông ta tràn đầy sự phỉ báng mạnh mẽ đối với hành vi phóng đãng của người đàn bà.Trong khi cô nghĩ ông thật thánh thiện biết bao khi dành thời gian để cầu nguyện và thiền định. “Nhưng”, cô ta thở dài, “Số phận của ta là một gái điếm. Mẹ ta là một gái điếm, và con gái ta cũng sẽ như vậy. Đó là quy luật trên mảnh đất này”.


Cả hai chết cùng một ngày và cùng đứng trước sự phán xét. Chúa cho rằng vị tu sĩ nên bị kết tội đồi bại vì trái tim ông khô héo bởi những phán xét nghiệt ngã và tâm hồn bị tàn phá bởi những tưởng tượng đầy dục vọng. Trong khi Chúa lại ngợi khen sự trong sáng nơi cô gái bởi tuy thân xác cô đang làm những hành động không xứng đáng, thì trái tim luôn trong sạch và mãi mãi hướng vào những suy ngẫm về sự thanh khiết của những buổi cầu nguyện và thiền định của vị tu sĩ.


2. Những điều hay mình rút ra được từ quyển sách


a. Chúng ta là nguồn gốc của nỗi khốn khổ của chính mình

Mình đã trải qua cảm giác này:”Một cách nào đó, trong thâm tâm chúng ta cảm thấy thấp kém cỏi khi chúng ta không thể giữ được những quyết tâm của chính mình. Thật trớ trêu, chúng ta là người tạo ra luật lệ, rồi là người vi phạm, rồi lại là người phán xét và thi hành. Chúng ta là nguồn gốc của nỗi khốn khổ của chính mình.”Còn Chin-Ning Chu thì lại cho rằng “Vì bạn là người đặt ra những quy định ấy, bạn có thể bỏ chúng hay tạo ra những quy định khác vào hôm sau.


Tội lỗi không nằm ở chỗ vi phạm quy định mà ở cảm giác xấu hổ và có lỗi khiến bạn tự cho mình là “Không ra gì””. Đó là một điều đơn giản thôi nhưng chưa một lần mình nghĩ đến. Và sau khi biết được mình đã thấy thật nhẹ nhõm.


b. Sự sai trái của những tính cách tiêu cực không nằm trong chính nó mà là ở cách phán xét của chúng ta

Ngoài ra, mình đã thay đổi suy nghĩ về việc có những suy nghĩ tiêu cực không phải là một điều đáng chê trách hay việc xấu xa cần loại bỏ. Việc tiêu cực không ngăn trở bạn đến thành công. “Bất kể bạn có tính cách tiêu cực gì, hãy để nó phát huy tác dụng của nó.


Nếu điểm tiêu cực của bạn là thích ngồi không đọc sách, hãy tìm hiểu xem làm thế nào bạn có thể ngồi đọc sách cả ngày mà vẫn kiếm được tiền; có thể tìm một công việc ở một nhà xuất bản hay thư viện, hoặc trở thành một nhà phê bình sách. Nếu điểm tiêu cực của bạn là thích ăn uống, hãy tìm một công việc có liên quan đến thực phẩm, có lẽ bạn có thể trở thành đầu bếp hay người phụ trách nấu ăn. Nếu điểm tiêu cực của bạn là thích xem phim, hãy lật tung cả thế giới để tìm xem bạn có thể tìm một công việc trong lĩnh vực điện ảnh không. Nếu bạn không thể tìm được một công việc xoay quanh “đặc tính tiêu cực” ưa thích của bạn, hãy tạo ra một công việc mà chưa ai từng nghĩ đến.”


Qua gần 350 trang sách, mình đã được tiếp thu và học hỏi rất nhiều điều từ những câu chuyện và dẫn chứng mà tác giả đưa ra. Theo mình đây là quyển sách khá hay và xứng đáng được 8/10 điểm về mặt nội dung mặc dù có những đoạn khó hiểu về binh pháp gần cuối sách. Hãy giữ tình yêu trong tim, nhưng hãy khôn ngoan và bày tỏ lòng nhân ái của mình với sự kiềm chế và thái độ lãnh đạm.

https://www.facebook.com/pie.friend/posts/128421776169364

Bài viết của mình đã được đăng tải trên Pie, bạn có thể tìm đọc bài theo đường link trên.


Hạn Vũ


18 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page