Nỗi Kinh Hoàng Trườn Tới – Ám Ảnh Giết Người Điên Loạn Và Sự Dối Trá Đỉnh Cao
Như một con nhện độc ẩn mình trong bóng tối, tên sát nhân đã khéo léo giăng bẫy, bình tĩnh đợi con mồi. Lần lượt từng nạn nhân vướng phải cái bẫy chết chóc và lãnh án tử trong tận cùng sơ hãi. Gary Murphy vẫn luôn là kẻ thông minh với cái đầu đầy tính toán như thế cho đến khi hắn thực hiện vụ bắt cóc con trai bộ trưởng Bộ Tài chính và con gái một nữ diễn viên nổi tiếng. Lần đầu tiên hắn đã phạm phải sai lầm nguy hại.

Ảnh minh họa: Hạn Vũ
Điều đáng nói ở đây là nghệ thuật khai thác diễn biến tâm lí nhân vật của bậc thầy truyện trinh thám James Patterson. Tên sát nhân phải chạm trán với đối thủ xứng đáng. Đó chính là thanh tra Alex Cross và thêm vào đó một nhân tố bất ngờ khác - nữ giám sát viên của Sở Mật vụ - Jezzie Flanagan. Cùng nhau cả ba tạo thành một tam giác có mối liên hệ bất thường. Chắc hẳn đây là một tiểu thuyết phá án đầy lôi cuốn xứng đáng là tác phẩm thuộc hàng danh sách bán chạy của tờ New York Times.
Khai thác triệt để nhiều góc khuất lẩn sâu trong xã hội đương thời
Khai mở loạt vấn đề đầu tiên chính là nạn phân biệt chủng tộc. Vụ bắt cóc 2 đứa trẻ da trắng nổi tiếng được ưu tiên giải quyết hơn vụ sát hại 6 người da đen bình thường hay đúng hơn là tầm thường ở khu Đông Nam nước Mỹ. Bằng chứng chính là việc thanh tra Alex Cross, người được cho là giỏi nhất với biệt tài đàm phán ở trụ sở cảnh sát được điều động từ vụ án giết người trên sang vụ án tìm và giải cứu những đứa bé thuộc giới thượng lưu. Không phải người giàu có và quyền lực luôn được hưởng đặc quyền đấy ư?

Ảnh minh họa: Hạn Vũ
Rồi chưa kể chuyện cánh báo chí luôn quan tâm và dõi theo vụ án sát sao trong khi tận 6 người da đen bị giết hại dã man mà gần nhất là việc 2 phụ nữ bị cắt bỏ ngực và 1 đứa trẻ bị đâm đến chết thì lại chìm trong im lặng và ít được chú ý? Mặc dù cả 2 vụ đều diễn ra song song cùng thời điểm. Cùng là con người mà tại sao lại thế? Phải chăng là do màu da, do thân phận. Có những sinh mạng được xem là quan trọng hơn những sinh mạng khác và ai cũng ngầm công nhận sự thật này.
Hay như qua lời đối thoại và phản ứng của các nhân vật trong truyện ngầm tố cáo sự mâu thuẫn giữa những người khác màu da.
“Ê…ê, thằng người mọi tình kia!” Kẻ nào đó la toáng lên trên bãi đỗ xe. “Ê này, muối và tiêu.”
Trong văn hóa Mỹ, đây là cách gọi miệt thị dành cho các cặp tình nhân có một người da trắng và một người da đen. Ta có thể thấy được đâu đó ở đây tồn tại cái gọi sự phân biệt chủng tộc.

Như để minh chứng thêm điều này, bà của thanh tra Alex Cross từng chia sẻ:” Có, ta sẽ nói. Trước hết, vì Jezzie là một phụ nữ da trắng, và ta không tin hầu hết bọn người da trắng. Ta rất muốn tin, nhưng không thể. Hầu hết bọn họ không hề tôn trọng chúng ta. Họ nói dối trước mặt chúng ta. Đó là kiểu cách của họ, ít nhất là với những người mà họ không tin là ngang hàng với họ.” Đến đây cái suy nghĩ da trắng thượng đẳng là có căn cứ. Nó đã ăn sâu trong tiềm thức của những người thế hệ cũ và họ vững tin như thế dù cho xã hội có xoay chuyển thế nào.
Thêm nữa, trong truyện có một đoạn hội thoại đáng ngẫm nghĩ:
“Hãy nghĩ lại xem. Hàng triệu đứa trẻ da màu chết ở Bangladesh, thưa tiến sĩ Cross. Không ai quan tâm. Chẳng ai lao tới để cứu chúng cả.”
“Vậy tại sao anh lại giết hại những gia đình da đen ở các khu nhà giá rẻ?” tôi hỏi hắn. “Có gì liên quan ở đây?”
“Ai nói là phải có liên quan chứ? Đó có phải điều ông được học ở Đại học Johns Hopkins không? Có lẽ đó là những thành tích tốt đẹp của tôi đấy. Ai bảo tôi không có lương tâm xã hội chứ, hừm? Chắc chắn phải có sự cân bằng trong mỗi cuộc đời. Tôi tin điều đó. Kinh dịch. Hãy nghĩ về những nạn nhân tôi đã chọn. Những kẻ nghiện ma túy tuyệt vọng. Một đứa con gái tuổi vị thành niên mà đã làm gái điếm. Một thằng nhỏ vốn đã mang số mệnh bi đát.”

Ảnh minh họa: Hạn Vũ
Có những sinh mạng được xem là quan trọng hơn những sinh mạng khác và ai cũng ngầm công nhận sự thật này. Trẻ em và phụ nữ luôn là đối tượng dễ hướng đến vì là phái yếu và dễ tổng thương.
Sự dối trá
Tiền bạc có sức cám dỗ thế nào? Quyển tiểu thuyết sẽ nhấn mạnh và làm rõ điều đó.
Hãy thử nỗ lực không cười vào hành động của con người, không khóc vì những hành động ấy, không căm ghét những hành động ấy, mà cố gắng hiểu chúng. Để thấy rằng ai cũng muốn đổi đời, muốn giàu có. Cuộc sống hưởng thụ và sự nổi tiếng làm lu mờ lí trí con người ta đẩy họ bước vào sai lầm không quay lại được và nhiều khi phải trả giá bằng cả sinh mệnh.
Jezzie Flanagan có yêu Alex không? Hay anh chỉ là kẻ một nạn nhân bị lợi dụng vì mục đích tư lợi cá nhân. Tình yêu trong Jezzie có nhưng không đủ lớn bằng thứ đô la lóng lánh sặc mùi máu. Cô có yêu đấy nhưng lại không có lòng cảm thông, đủ lạnh lùng để ra quyết định đẩy người khác vào chỗ chết mà tay không dính máu.

Ảnh minh họa: Hạn Vũ
Còn Gary Murphy hay Soneji tự gọi mình với cái tên con trai nhà Lindbergh? Hắn có bị bệnh đa nhân cách hay không? Liệu Murphy và Soneji là 2 nhân cách khác nhau bên trong một con người bị tổn thương tinh thần, bị bạo hành từ nhỏ? Hay chỉ là một trò lừa phỉnh của tên sát nhân với cái đầu mưu mô muốn là một ai đó, muốn thao túng kẻ khác, muốn được nổi tiếng.
Chúng ta không muốn có một bí mật nào trong bất kì mối quan hệ nào nhưng lại không chịu nhìn ra thế giới bên ngoài mà cô độc và hướng quá nhiều vào những cảm xúc bên trong. Đó là một sự thật đơn giản mà các nhân vật trong truyện luôn che giấu. Họ chịu tổn thương từ quá khứ. Nỗi đau theo sau họ đến khi trưởng thành. Để rồi họ chọn cách đi tổn thương người khác vì trong họ có một thứ gì đó là tình yêu đã chết. Để rồi ta nhận thấy ai cũng đáng thương trong câu chuyện của riêng mình.

Ảnh minh họa: Hạn Vũ
Bạn thử đọc và ngẫm xem nhé? Truyện không ủy mị mà có phần khô khan, không theo lối hồi hộp, gay cấn mà hành trình phá án chậm rãi, thỉnh thoảng rơi vào bế tắc. Mất gần mấy năm để giải quyết vụ bắt cóc chỉ diễn ra trong vòng vài phút. Sau cùng chỉ những đứa trẻ là chịu tổn thương nặng nề nhất. Chúng sẽ lớn lên với trái tim chai sạn và lại phạm sai lầm tiếp chăng? Một vòng lặp mới lại bắt đầu.
Hạn Vũ