top of page

Nghệ Thuật Pr Bản Thân theo Austin Kleon

"Hãy để người khác ăn cắp ý tưởng của bạn." 10 cách giúp bạn chia sẻ ý tưởng sáng tạo và được mọi người chú ý.

Về tác giả Austin Kleon:

Tờ The Atlantic gọi anh là một trong những người thú vị nhất trên mạng Internet. Anh là một nghệ sĩ kiêm nhà văn sống tại Austin, Texas và là tác giả của 3 cuốn sách bán chạy trên New York Times: Steal like an artist, Newspaper blackout và Show your work!.

Về tác phẩm: tác giả đưa ra 10 gợi ý giúp bạn có thể pr bản thân và công việc đang làm một cách hữu ích, tiếp cận nhanh chóng đến khách hàng tiềm năng hoặc đơn giản dành riêng cho những ai ghét tự quảng cáo bản thân.


Nội dung chính:

1. Bạn không cần phải là một thiên tài

2. Tư duy quá trình, đừng tư duy sản phẩm

3. Mỗi ngày chia sẻ một vài điều nho nhỏ

4. Mở cửa căn phòng của những kỳ quan

5. Kể những câu chuyện hay

6. Dạy những gì bạn biết

7. Đừng biến thành chiếc máy spam

8. Học cách chịu đấm

9. Bán rẻ nghệ thuật

10. Đừng bỏ cuộc




1. Bạn không cần phải là một thiên tài


Hãy tìm kiếm một cộng đồng tài năng. Bạn không cần phải giàu có, nổi tiếng hay một bản CV bóng bẩy, tấm bằng của một trường đại học danh tiếng. Trên mạng, tất cả mọi người - từ nghệ sĩ đến người quản lý nghệ thuật, từ thợ lành nghề cho đến người học việc, từ chuyên gia cho đến kẻ nghiệp dư - tất cả đều có thể đóng góp thứ gì đó. Blog, mạng xã hội, email nhóm, các trang web thảo luận, diễn đàn đều là những địa điểm ảo nơi mọi người tụ tập và tán gẫu về những vấn đề họ quan tâm.


Hãy là kẻ nghiệp dư. Những kẻ a-ma-tơ không sợ mắc sai lầm, cũng không sợ trông lố bịch trước công chúng. Họ đang yêu, vì thế họ không ngần ngại làm những việc mà người khác cho là ngớ ngẩn, hoặc nói thẳng ra là ngu dốt. "Một hành động sáng tạo ngu ngốc nhất cũng vẫn là sáng tạo. Clay Shirky" Bạn có thể dịch chuyển từ tầm thường thành tốt theo thời gian. Khoảng cách giữa làm và không làm mới là khoảng cách thực sự.


Bạn không thể nghe thấy giọng mình nếu không dùng đến nó. Nghe có vẻ hơi cực đoan, nhưng trong thời đại ngày nay, nếu sản phẩm của bạn không được đưa lên mạng thì coi như nó không tồn tại. Chúng ta đều có cơ hội sử dụng tiếng nói và nêu ra quan điểm của mình, nhưng rất nhiều người lại lãng phí nó. Nếu muốn mọi người biết về những gì bạn đang làm và những thứ bạn quan tâm, bạn phải chia sẻ chúng.


Đọc cáo phó. Một trải nghiệm cận kề cái chết cho tất cả chúng ta.

"Luôn tâm niệm rằng mình sắp chết là công cụ quan trọng nhất tôi có được, nó giúp tôi đưa ra những lựa chọn lớn nhất trong đời. Bởi hầu hết mọi thứ - tất cả những kỳ vọng từ bên ngoài, những niềm kiêu hãnh, những sợ hãi trước cảnh túng quẫn hay thất bại - đều biến mất trước cái chết, chỉ những thứ thực sự quan trọng mới ở lại. Tâm niệm mình sẽ chết là cách tốt nhất mà tôi biết để tránh rơi vào bẫy khi nghĩ rằng bạn có thứ gì đó để mất. Bạn vốn đã tay trắng ngay từ đầu." Steve Jobs

2. Tư duy quá trình, đừng tư duy sản phẩm


Hãy nhìn vào phía sau sân khấu. Sản phẩm nghệ thuật là bức tranh hoàn chỉnh, được đóng khung và treo trong phòng triển lãm, nhưng công việc nghệ thuật lại là tất cả những việc hằng ngày diễn ra phía sau sân khấu như: tìm kiếm cảm hứng, lấy ý tưởng, phết dầu lên vải... "Bức vẽ" là danh từ nhưng "vẽ" là động từ. Giống như mọi công việc khác, quá trình làm việc và sản phẩm của họa sĩ là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Để bán được nhiều sản phẩm hơn, người nghệ sĩ phải biết chia sẻ quá trình làm việc bởi con người thường thích tìm hiểu về người khác và những gì họ đang làm. Khi kiên trì công khai mọi thứ, bạn sẽ tạo ra mối liên hệ với khách hàng. Nó cho phép họ nhìn thấy con người phía sau sản phẩm. Khán giả không chỉ muốn bước vội qua những sản phẩm tốt, mà họ còn muốn được sáng tạo và là một phần của quy trình sáng tạo.


Ghi chép lại tất cả những gì bạn làm. Thực ra không phải ai cũng là phi hành gia hay nghệ sĩ. Khi nhắc đến công việc, rất nhiều người cảm thấy chẳng có gì để khoe lúc cuối ngày. Nhưng dù nghề nghiệp của bạn là gì thì những việc bạn làm vẫn mang tính nghệ thuật, và ngoài kia sẽ có người quan tâm đến môn nghệ thuật đó, chỉ cần giới thiệu nó cho họ một cách đúng đắn. Làm sao để nói về công việc khi bạn chẳng có gì để phô trương? Hãy ghi chép tất cả những gì bạn làm, quay video, chụp ảnh biến chúng thành thứ gì đó thú vị về mặt truyền thông để chia sẻ. Bạn phải biến sự vô hình thành hữu hình. Bạn phải tạo ra thứ gì đó.


3. Mỗi ngày chia sẻ một vài điều nho nhỏ


Gửi đi thông điệp mỗi ngày. "Xuất hiện mỗi ngày và chia sẻ công việc với công chúng, rồi bạn sẽ gặp được những người vô cùng thú vị." Blogger Bobby Solomon. Thành công sau một đêm chỉ có trong truyện cổ tích. Hãy quên hết những thập kỷ, quên hết những tháng năm đi. Thay vào đó, tập trung vào từng ngày. Hình thức chia sẻ không quan trọng. Thông điệp hằng ngày có thể là bất cứ thứ gì bạn muốn - một bài blog, một email, một câu trên Twitter, một video trên YouTube, hoặc bất cứ thứ gì mang tính truyền thông đại chúng. Chẳng có kế hoạch mẫu nào có thể phù hợp cho tất cả mọi người. Làm sao bạn có thời gian để làm tất cả những việc này? Chúng ta đều bận rộn. Bạn phải tìm nó.


Bài kiểm tra "Thế thì có gì đặc biệt"? Hãy cởi mở, chia sẻ những sản phẩm chưa hoàn thiện và không hoàn hảo mà bạn muốn mọi người nhận xét, nhưng đừng chia sẻ tất cả mọi thứ. Có một sự khác biệt rất lớn giữa chia sẻ và chia sẻ quá đà. Nhà báo Lauren Cerand nói: "Hãy viết bài như thể tất cả người đọc nó đều có quyền sa thải bạn." Hãy tự mình đặt câu hỏi "thế thì có gì đặc biệt?" trước khi chia sẻ bất cứ thứ gì.


Biến lưu lượng thành trữ lượng. Đây là 2 khái niệm kinh tế được nhà văn Robin Sloan sử dụng để nói về truyền thông đại chúng. Lưu lượng là những bài viết mới trên các trang mạng xã hội. Đó là luồng thông tin cập nhật hằng ngày, hằng giờ để nhắc nhở mọi người rằng bạn vẫn đang tồn tại. Trữ lượng là giá trị lâu bền. Nghĩa là nội dung bạn tạo ra hôm nay vẫn phải thu hút được công chúng trong hai tháng (hoặc hai năm) tới. Theo tác giả, tốt nhất bạn nên phát triển trữ lượng bằng cách sưu tầm, tổ chức và mở rộng lưu lượng. Một khi coi chia sẻ là một phần của công việc hằng ngày, bạn sẽ để ý thấy những đề tài và xu hướng dần xuất hiện trong các bài chia sẻ của bạn. Bạn sẽ tìm thấy những hình mẫu trong lưu lượng. Khi phát hiện ra những hình mẫu này, hãy thu thập những mảnh nhỏ đó và biến chúng thành thứ lớn lao và quan trọng hơn. Bạn có thể biến lưu lượng thành trữ lượng.

Ví dụ, rất nhiều ý tưởng trong cuốn sách này ban đầu chỉ là những dòng chia sẻ trên Twitter, sau đó trở thành các bài viết trên blog, rồi sau đó mới trở thành các chương sách.


Xây dựng một tên tuổi (tên miền) tốt. Khi còn trẻ và mới bắt đầu sự nghiệp, nữ rocker Patti Smith nhận được lời khuyên này từ tiểu thuyết gia William Burroughs: "Hãy chọn một tên miền hay. Giữ cho tên miền sạch. Đừng thỏa hiệp. Đừng đặt áp lực phải kiếm một đống tiền hoặc thành công với nó. Chỉ cần làm tốt công việc của mình... và nếu bạn có thể tạo dựng một cái tên giá trị, thì cái tên đó sẽ chính là tiền bạc về sau." (Hãy thử google tên tôi.)


4. Mở cửa căn phòng của những kỳ quan


Chúng ta đều có những bộ sưu tập quý giá của riêng mình. Chúng có thể là những căn phòng kỳ diệu hữu hình, chẳng hạn như các giá sách trong phòng khách đựng đầy tiểu thuyết, đĩa hát, phim ảnh, hoặc các bảo tàng ở dạng vô hình trong tâm trí con người. Đầu óc chúng ta ghi lại ký ức về những nơi ta từng đến, những người ta từng gặp, và những kinh nghiệm ta tích góp. Chúng ta có thể chia sẻ thị hiếu của bản thân đối với công việc của người khác. Bạn lấy cảm hứng từ đâu? Bạn thu nạp vào đầu những gì? Bạn đọc gì? Bạn có theo dõi bản tin nào không? Bạn thường truy cập những trang web nào? Bạn nghe loại nhạc gì? Bạn xem phim gì? Bạn có thích nghệ thuật không? Bạn sưu tập thứ gì? Ai là người làm được những việc khiến bạn ngưỡng mộ? Bạn lấy ý tưởng của ai? Bạn có thần tượng người nào không? Bạn theo dõi ai trên mạng? Bạn ngưỡng mộ những ai trong ngành nghề của mình?


Chúng ta đều có những thứ mà người khác cho là vô giá trị. Bạn phải thực sự can đảm mới có thể mãi yêu rác của mình, bởi thứ làm cho chúng ta trở nên duy nhất chính là sự đa dạng và phong phú của tầm ảnh hưởng, những con đường khác biệt chúng ta chọn để trộn lẫn những phần văn hóa mà xã hội coi là "cao sang" và "thấp hèn" lại với nhau. Khi tìm được những thứ bạn thực sự yêu thích, đừng để bất kỳ ai làm bạn cảm thấy tồi tệ về điều đó. Không cần phải cảm thấy tội lỗi về những thú vui có được từ sở thích. Cứ việc vui vẻ với chúng. Điều quan trọng hơn là đừng bao giờ chia sẻ những thứ bạn không thể trích rõ nguồn. Chia sẻ những thông tin có nguồn gốc, hoặc đừng chia sẻ.


5. Kể những câu chuyện hay


Sản phẩm không bao giờ tự lên tiếng. Giáo sư tâm lý học Paul Bloom nói: "Khi được cho xem một vật nào đó, được đưa đồ ăn, hoặc được nhìn một khuôn mặt, quá trình thẩm định của con người (bạn có thích nó không, nó có giá trị không) phụ thuộc rất nhiều vào những gì họ được giới thiệu về nó. Ngôn ngữ thực sự có giá trị. Các nghệ sĩ thường không muốn dùng những dòng miêu tả quen thuộc và nhàm chán. Họ nói: "Tác phẩm của tôi sẽ tự lên tiếng", nhưng sự thật là tác phẩm của chúng ta không tự nói được. Con người muốn biết mọi vật bắt nguồn từ đâu, được làm ra như thế nào, và ai tạo ra chúng. Câu chuyện mà bạn kể về sản phẩm của mình có ảnh hưởng mạnh mẽ đến cảm xúc cũng như hiểu biết của mọi người về nó, và hai yếu tố này lại ảnh hưởng đến giá trị họ gắn cho sản phẩm. "Tại sao chúng ta phải miêu tả những khó khăn, những thời điểm quyết định trong phòng thí nghiệm, hay tất cả hình ảnh về quãng thời gian chuẩn bị và thất bại trước khi sản phẩm cuối ra đời?" Nhiếp ảnh gia Rachel Sussman đặt câu hỏi. "Đó là vì ngoại trừ một vài trường hợp đặc biệt, khán giả của chúng ta đều là con người, và con người cần được kết nối với nhau. Những câu chuyện riêng tư có thể làm mọi thứ phức tạp trở nên hữu hình, tạo ra các mối liên tưởng và cho họ nhìn thấy những thứ mà bình thường có thể chẳng ai ngó đến bao giờ."

"Con mèo ngồi trên thảm không phải là một câu chuyện. Con mèo ngồi trên thảm của chó mới là một câu chuyện" Tiểu thuyết gia John le Carré

Cấu trúc có ý nghĩa quyết định. Triết gia Aristotle nói một câu chuyện có ba phần là mở đầu, phần thân và phần kết. Tác giả John Gardner nói hầu như câu chuyện nào cũng có một cái cốt cơ bản như sau: "Một nhân vật muốn thứ gì đó, đuổi theo nó bất chấp sự phản đối (có thể bao gồm cả những ngờ vực của bản thân), và tiến đến một tình huống thắng, thua hoặc hòa." Đôi khi bạn thành công, đôi khi bạn thất bại và phổ biến nhất là chẳng có gì xảy ra cả. Tất nhiên chúng ta hầu hết đang ở phần giữa của cuộc đời, chúng ta là những câu chuyện bị cắt đi hồi kết. Hồi thứ nhất là quá khứ, bạn từng ở đâu, bạn muốn gì, tại sao bạn lại muốn có nó, bạn đã làm gì để có được nó. Hồi thứ hai là hiện tại, công việc hiện giờ của bạn đã tiến triển đến đâu, bạn đã làm việc chăm chỉ và sử dụng hết nguồn lực hiện giờ của mình như thế nào. Hồi thứ ba là tương lai, bạn đang đi đâu, chính xác người mà bạn đang cố gắng thuyết phục có thể giúp bạn tới đích ra sao. Hãy chọn cuộc phiêu lưu của riêng bạn, dù bạn đang kể một câu chuyện đã kết thúc hay vẫn còn dang dở, hãy luôn nghĩ đến khán giả của mình.



Tự nói về bản thân trong các bữa tiệc. Hãy bám vào thể loại người thật việc thật. Hãy khiêm tốn và chân thành giải thích về công việc của mình, khi được người khác hỏi hãy xem đó là cơ hội để kết nối với người khác. Nếu là sinh viên, hãy cứ nói mình là sinh viên. Nếu làm công việc văn phòng, hãy nói bạn làm văn phòng. Nếu bạn có một công việc lai tập hơi kỳ lạ, hãy nói đại loại như "Tôi là một nhà văn biết vẽ." Chúng ta đều tưởng mình phải giải thích nhiều về bản thân, nhưng một câu giải thích hai dòng lại là tất cả những gì thế giới muốn biết về chúng ta. Hãy gạch hết mọi tính từ trong lý lịch. Nếu làm nghề chụp ảnh, bạn không cần là một nhiếp ảnh gia đầy tham vọng, cũng không cần là một nhiếp ảnh gia tuyệt vời. Bạn chỉ là nhiếp ảnh gia. Đừng cố tỏ ra không ngoan. Đừng khoe mẽ. Tất cả những gì bạn cần là nói lên sự thật.


6. Dạy những gì bạn biết


Chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh của bạn. Chia sẻ với người khác không làm giảm giá trị sản phẩm của bạn, mà chỉ tăng thêm giá trị của nó. Hướng dẫn ai đó những việc bạn làm cũng chính là cách thu hút sự chú ý. Mọi người cảm thấy gần gũi với công việc của bạn hơn vì bạn chia sẻ cho họ những gì bạn biết. Và trên hết, khi chia sẻ kiến thức và công việc với mọi người, bạn cũng nhận được lại những bài học.


7. Đừng biến thành chiếc máy spam


Im lặng và lắng nghe. Có những người họ không muốn trả phí và chỉ muốn nhận được phần của mình. Họ không muốn nghe ý tưởng của bạn mà chỉ muốn người khác nghe ý kiến của họ. Họ ở khắp mọi nơi và tồn tại ở mọi ngành nghề. Họ là những cỗ máy spam. Có rất nhiều người thú vị và thành đạt dần trở thành như vậy. Thế giới chỉ cần xoay quanh họ và công việc của họ. Họ không có thời gian quan tâm bất cứ thứ gì khác ngoại trừ bản thân. Dù nổi tiếng đến đâu các nghệ sĩ có lối suy nghĩ tiến bộ ngày nay thường xuyên lên mạng trả lời các câu hỏi, tiếp thu ý kiến phản hồi của khán giả. Họ mong được người khác gợi ý những tác phẩm nên đọc. Họ tán gẫu với người hâm mộ về những gì họ thích.


Bạn muốn trái tim, không phải chỉ là ánh mắt. Hãy ngừng lo lắng về số lượng, mà chuyển sang quan tâm đến chất lượng những người theo dõi mình trên mạng. Đừng phí thời gian đọc những bài như làm sao để có nhiều người theo dõi hơn. Đừng phí thời gian theo dõi người khác vì nghĩ rằng bạn sẽ đạt được kết quả gì. Đừng nói chuyện với những người bạn không ưa, và đừng nói về những thứ bạn không muốn nói. Cuộc sống thực chất xoay quanh việc "bạn biết ai". Nhưng bạn biết ai phụ thuộc vào việc bạn là ai và làm gì. Những người bạn chẳng thể giúp đỡ nếu bạn không làm tốt công việc của mình. Các mối quan hệ chẳng có ý nghĩa gì. Nhà sản xuất âm nhạc Steve Albini nói: "Tôi chưa từng có mối quan hệ nào không phải là kết quả tự nhiên của những việc tôi làm."



Bài kiểm tra Ma Cà Rồng. Trong cuốn tiểu sử Life of Picasso của John Richardson có một câu chuyện vui như thế này. Pablo Picasso nổi tiếng với khả năng hút cạn năng lượng của những người ông gặp. Cháu gái Marina của ông nói rằng ông ép mọi người như bóp tuýp màu vẽ vậy. Bạn sẽ có một ngày tuyệt vời đi chơi với Picasso, sau đó bạn về nhà lo lắng và kiệt sức, trong khi Picasso sẽ về xưởng và vẽ cả đêm, dùng toàn bộ năng lượng mà ông hút được từ bạn. "Bất cứ điều gì khiến bạn hứng thú, hãy bắt tay làm nó. Bất cứ điều gì khiến bạn mệt mỏi, hãy ngừng công việc đó lại." Derek Sivers, nhà sáng lập CD Baby.


Tìm kiếm những người giống bạn, rồi bạn sẽ tìm được hội nhóm của mình. Gặp gỡ mọi người trên mạng là trải nghiệm tuyệt vời, nhưng biến họ thành những người bạn đời thực còn tuyệt vời hơn. "Tôi và bạn sẽ sống lâu hơn Twitter nhiều, và không gì có thể thay thế sự tương tác trực tiếp cả." Tác giả Rob Delaney.


8. Học cách chịu đấm


"Đừng bận lòng vì nhận xét của mọi người, chỉ cần quan tâm đến nhận xét của người đáng quan tâm là được." Brian Michael Bendis, tác giả truyện tranh. Bạn có vấn đề với những kẻ chơi khăm? Bạn biết đấy, số lời nhận xét luôn vượt xa số lượng ý tưởng. Hãy sử dụng nút block "khóa" trên các mạng xã hội. Xóa những lời bình luận ác ý và thô tục đi. Vợ tôi vẫn thường nói: "Nếu ai đó quẳng một đống rác vào phòng khách nhà anh, chắc chắn anh sẽ không để nó ở đó, đúng không?" Những lời bình luận ác ý cũng như vậy - chúng cần được hốt đi và ném vào thùng rác.


9. Bán rẻ nghệ thuật


Mọi người ai cũng phải trả tiền ăn, tiền ở. Kẻ nghiệp dư là một họa sĩ nuôi sống bản thân bằng những công việc khác để được vẽ trong thời gian rảnh rỗi. Họa sĩ Ben Shahn nói "Người chuyên nghiệp là ai đó có vợ làm việc để anh ta được vẽ một cách chuyên tâm." Dù một nghệ sĩ có kiếm được tiền từ tác phẩm của mình hay không, tiền vẫn phải đến từ đâu đó: một công việc ban ngày, một người bạn đời giàu có, một quỹ tín nhiệm, một khoản tài trợ nghệ thuật, hay một người bảo trợ. Chúng ta đều phải vượt qua chủ nghĩa lãng mạn của những nghệ sĩ đói khổ và từ bỏ suy nghĩ rằng đồng tiền làm hỏng khả năng sáng tạo.


Nếu bạn định làm gì đó cần đến vốn ban đầu, các trang web như Kickstarter và Indiegogo là những nền tảng đơn giản nhất để chạy các chiến dịch quyên góp.


Một cuộc sống đầy sáng tạo là một cuộc sống luôn thay đổi, tiến lên phía trước, bắt lấy những cơ hội, khám phá những lĩnh vực mới. "Không thay đổi mới chính là rủi ro thực sự." Nghệ sĩ sắc-xô-phôn John Coltrane từng nói "Tôi cần phải cảm thấy mình đang theo đuổi thứ gì đó. Nếu kiếm được tiền từ đó thì tốt, nhưng tôi muốn được phấn đấu. Sự phấn đấu mới chính là thứ tôi cần."


10. Đừng bỏ cuộc


Làm những việc trước mắt, và khi hoàn thành hãy tự hỏi bạn còn thiếu điều gì, bạn có thể làm gì tốt hơn, hoặc điều gì bạn chưa với tới, sau đó bắt tay ngay vào công việc tiếp theo.



36 lượt xem0 bình luận