Review sách tâm lí hay: Tâm lí học thành công
Đã cập nhật: 21 thg 9, 2021
Theo tác giả Carol S. Dweck - tiến sĩ, chuyên gia tâm lí học nổi tiếng tại trường đại học Stanford thì có 2 kiểu tư duy ảnh hưởng đến sự thành công của con người bao gồm: tư duy cố định và tư duy phát triển. Đây chắc chắn là quyển sách tâm lí hay giúp bạn thay đổi tư duy bên trong và thực hiện hóa bằng hành động cụ thể ra bên ngoài mang lại hiệu quả cao.

Nguồn ảnh: Hạn Vũ
1. Điểm khác biệt giữa hai loại tư duy trong tâm lí học:
Chắc hẳn ngay từ nhỏ chúng ta đã nghe qua câu chuyện kể về thỏ và rùa. Thỏ đại diện cho kẻ mạnh với đặc tính nhanh nhẹn nhưng tự phụ. Trong khi rùa thì chậm chạp, kiên trì và là kẻ yếu thế hơn trong cuộc chạy đua. Bài học rút ra ở đây là chậm và kiên trì sẽ giành được chiến thắng. Nhưng liệu bạn có muốn làm rùa không? Giữa việc cố gắng nỗ lực để có thể thành công và sở hữu một tài năng thì bạn chọn cái nào?

Nguồn ảnh: Hạn Vũ
Chắc hẳn chúng ta muốn được như thỏ ít ngốc nghếch hơn và không cần nhiều cố gắng, gã chắc chắn sẽ về đích trước tiên nếu không la cà, ngủ quên cả cuộc thi. Câu chuyện này cũng đã gán ghép vào ta cái suy nghĩ chỉ có kẻ yếu thế mới phải nỗ lực và sẽ vượt lên nếu như kẻ có thực lực chịu từ bỏ.
Đây cũng là kiểu tư duy cố định điển hình bắt gặp được trong đời sống, mọi phẩm chất của con người là bất di bất dịch và chúng ta phải liên tục để chứng tỏ bản thân. Ngược lại, tư duy phát triển cho rằng con người có thể thông qua cần cù và kinh nghiệm để thay đổi những phẩm chất định sẵn. Có thể bạn nấu ăn dở thật đấy nhưng không phải bạn sẽ mãi như vậy? Có thể bạn xếp cuối lớp nhưng bạn có thể cải thiện được tình hình học tập cơ mà?
Nhưng không phải vì thế mà người có tư duy phát triển có niềm tin rằng ai cũng có thể trở thành vĩ nhân nếu có được đường lối giáo dục đúng đắn và phù hợp, rằng ai cũng có thể trở thành Einstein hay Steve Job trong tương lai. Một xã hội toàn thiên tài là không thể tồn tại được đâu. Họ thực sự tin con người luôn ẩn chứa một tiềm năng tiềm ẩn, không thể một sớm một chiều khai phá mà chỉ đạt được thông qua hàng năm trời đam mê, nổ lực và rèn luyện.
Quay trở lại câu chuyện thỏ và rùa. Bạn cho rằng ai trong số 2 con vật này có kiểu tư duy phát triển? Rùa con tuy chậm chạp thật đấy nhưng nó chưa bao giờ bị cái suy nghĩ sẽ thua cuộc ngay từ đầu mà bỏ cuộc, thi làm gì khi phần thắng luôn thuộc về thỏ. Nó luôn cố gắng từng chút một. Thử đặt trường hợp bạn vừa thông minh vừa cố gắng thì thành công sẽ nhanh đến thế nào.
Việc gắng sức cho điều nào đó không nên là biểu hiện của thiếu tài năng. Chúng ta nên có cái nhìn khách quan hơn, đơn giản phấn đấu vì một lí tưởng là một phẩm chất cần thiết hướng tới sự thành công. Ở đây mình không nói rằng những người sở hữu lối tư duy cố định khó tạo ra thành tựu, họ chỉ cản trở sự phát triển bản thân nếu như tiếp tục duy trì lối suy nghĩ đó thôi.
Hãy luôn dùng tư duy phát triển trong mọi tình huống. Việc thay đổi có thể khó khăn lắm nhưng mình chưa từng nghe nói là không xứng đáng.
2. Niềm tin là chìa khóa dẫn đến thành công hay đau khổ
Thông thường khi đạt điểm kém trong bài kiểm tra, những đứa trẻ có xu hướng nhận định "Mình là đứa ngu ngốc." Thông tin xấu này khiến các em có cảm giác tiêu cực rất mạnh mẽ. Tin tốt lành là thông tin tốt cũng có thể tác động đến tâm trạng chúng, giúp mang lại cảm giác tích cực mạnh mẽ như thế. Vậy thông qua quyển sách này, quý vị phụ huynh có thể đưa ra cho trẻ liệu pháp nhận thức, hướng dẫn các em điều chỉnh những đánh giá cực đoan theo chiều hướng hợp lí hơn.

Nguồn ảnh: Hạn Vũ
Một trong những cách là để trẻ tự đặt ra câu hỏi về những bằng chứng ủng hộ hoặc chống đối lại suy nghĩ đó của chúng, khuyến khích các em lập ra danh sách các tình huống chứng tỏ năng lực bản thân trong quá khứ. Từ đó giúp các em có cái nhìn đúng đắn và khách quan hơn về bản thân, 'hóa ra mình cũng không tệ như mình nghĩ".
Các bài học về tư duy và những ví dụ thực tiễn, trực quan trong quyển "Tâm lí học thành công" đánh mạnh vào quá trình độc thoại nội tâm của mỗi người, tuy không thể xóa bỏ hoàn toàn tư duy cố định nhưng đưa ra cho chúng ta cách để thay đổi tư duy hướng đến sự phát triển bản thân hơn. Vấn đề chính luôn nằm ở bản thân. Đừng chấp nhận, hãy thay đổi.
Một quyển sách tâm lí hay mà mình đánh giá khá cao. Chúng ta sẽ được tiếp cận thông tin về tâm lí dưới góc nhìn khoa học chứ không dựa trên quan điểm cá nhân. Bạn là người quyết định xem liệu sự thay đổi lúc này có phù hợp không.
Đánh giá: 4.1/5