top of page

Vầng trăng và sáu xu – Cuộc đời vô danh của một thiên tài hội họa: sống nghèo khổ đến chết nhưng vẫn

Đã cập nhật: 5 thg 10, 2021

Chúng ta luôn sống trong một thế giới đầy rẫy ước mơ và kì vọng. Bố mẹ mong con cái thành công và hạnh phúc. Những đứa trẻ thì lại háo hức muốn sở hữu những món đồ chơi đắt giá yêu thích. Người lớn sợ hãi cô đơn nên luôn kiếm tìm người có thể lấp đầy khoảng trống trong họ. Những mong muốn này giống như một cái hố đen nuốt chửng mọi thứ đến gần. Chúng có thể mất đi, lớn lên nhưng chưa từng nhỏ lại. Quá nhiều lần người ta bị cái vật chất tiền tài cám dỗ. Nhưng riêng trong quyển Vầng trăng và sáu xu, một người đàn ông trung niên Charles Strickland làm nghề mua bán chứng khoán, có 1 vợ và 2 con lại bị ám bởi cái ý nghĩ phải vẽ, bỏ cả gia đình đến thành phố Pari tìm cảm hứng sáng tác hội họa.



Nghệ thuật kết nối những tâm hồn đồng điệu


Qua lời kể của tác giả Somerset Maugham, hồi tưởng về thời trẻ khi mà quyển sách đầu tay của anh được xuất bản và nhận phản hồi tích cực từ độc giả. Một bước đệm nhỏ để bước vào giới văn học ở Luân Đôn. Cũng tại đây, anh quen được vợ của Strickland. Theo như Maugham miêu tả bà là một người dịu dàng, tử tế và có tình yêu dành cho văn chương. Mối quan hệ vợ chồng khá tốt, không xảy ra tranh cãi gì lớn lao cả. Không một ai nhận ra cái niềm đam mê quái ác trong con người Strickland. Ông được đánh giá là vẽ rất tệ. Rõ ràng, ông không có một năng khiếu giao tế xã giao nào cả. Ông chỉ là một người đàn ông thẳng thắn, chân thật, tốt bụng và chán ngắt. Tuy là một người có phẩm chất tốt đẹp, nhưng chẳng có lí do nào để phí thời giờ với ông ta. Tóm lại, Strickland lúc này chả là cái gì cả, không có điều gì gắn kết ông với nghệ thuật ngoài trừ một bà vợ đang tạo cho mình một tư thế trong giới văn chương.

Rồi một ngày sau khi trở về từ chuyến nghỉ mát, người đàn ông bị đánh giá khù khờ và chán ngấy ấy biến mất khỏi Anh. Bà vợ đáng thương của ông trở thành tâm điểm bàn tán trong những cuộc trò chuyện. Ai cũng cho rằng một cô gái Pari nào đó đã quyến rũ lấy ông. Bà Strickland không bao giờ chấp nhận được cái tin dữ ấy, bà cậy nhờ tác giả đến Pháp một chuyến để mời chồng về bằng mọi giá. Điều này khiến anh khá khó xử nhưng trước nỗi bi thương của người đàn bà trước mặt, anh buộc lòng nhận lời. Anh cảm nhận rằng cuộc sống mà đa số người đã chọn, có một cái gì đó lầm lạc sai sót.

Theo địa chỉ mà bà Strickland đưa cho, anh lần đến một khách sạn rẻ tiền tên Hotel Des Belges. Lần đầu tiên Maugham mới có một cuộc nói chuyện trực tiếp với con người tẻ nhạt mà anh có dịp gặp trong buổi ăn tối tại nhà ông ấy cách đây không lâu. Theo quan sát, anh không thể nào diễn tả nỗi thái độ nhẫn tâm khác thường trong cách nói chuyện của Strickland khi được hỏi về vợ.

- Thôi được, nhưng người ta không thể bỏ một người đàn bà mà không để lại một xu.

- Sao lại không?

- Chị ấy sẽ sống như thế nào đây?

- Tôi đã cung cấp cho cô ta trong mười bảy năm trời. Tại sao cô ta không thể tự lo lấy cho mình để thay đổi nhỉ?

- Cô ấy không làm như thế được.

- Hãy để cô ta thử xem.

- Ông không còn quan tâm đến chị ấy nữa sao?

- Không còn một tí nào, ông trả lời.

Điều gì đã xảy đến với Strickland khiến ông có một thái độ cứng rắn như thế. Tác giả không hiểu nổi, nhiều người cũng không thể nào hiểu nổi. Có thể nói, một thứ thế lực ma mị nào bên trong đã ép Strickland cầm cọ lên mà sáng tạo cái mới, từ bỏ lối sống sung sướng mà trở thành một gã nghèo mạt khao khát vẽ.



Câu chuyện vẫn tiếp diễn, khi mà sau này tác giả đến sống ở Pari một thời gian. Anh gặp lại người bạn họa sĩ tên Dirk Stroeve. Thật tình cờ khi anh ta có quen biết với Strickland còn khẳng định ông là một thiên tài dù chưa có ai công nhận trừ anh. Maugham hoài nghi chuyện đó vì hơn ai hết, anh biết rõ Dirk Stroeve là tay họa sĩ tệ thế nào nhưng cũng không thể phũ nhận khiếu thẩm mĩ nơi anh. Rồi tác giả có dip gặp lại Strickland thông qua Stroeve, trở thành một người bạn và có dịp chứng kiến cuộc sống phải dùng từ khốn khổ của ông nơi đất khách quê người. Có thể nói nghệ thuật đã kết nối họ lại với nhau và vô tình tác giả trở thành nhân chứng sống cho cuộc đời của một thiên tài.


Những cái chết bi ai



Strickland chưa bao giờ dừng công việc nghệ thuật của mình. Ông có một thái độ hoàn toàn dửng dưng với những tiện nghi. Khi cạn tiền, ông kiếm sống bằng đủ nghề. Dù là thế ông không hề mất tinh thần và không hề có ý định bán bức tranh nào. Ông chưa từng nghèo đến nỗi không đủ tiền mua nổi vải vẽ và sơn. Duy chỉ có một biến cố duy nhất, ông bệnh khá nặng vào dịp giáng sinh. Dirk Stroeve và Maugham phải đến nhà chăm sóc ông. Do lòng ái mộ và sự quan tâm thái quá của Stroeve, anh kiên quyết đưa Strickland về nhà chăm sóc mặc dù Blanche - vợ anh đã phản đối gay gắt.

Strickland nghĩ gì về việc này ư? Strickland là một gã đáng ghét. Ông ta cư xử thô lỗ, dùng thái độ công kích và chế nhạo anh họa sĩ tội nghiệp. Chị vợ cho rằng ông ấy thật ghê tởm. Cả hai im lặng khi ở gần nhau. Tuy thế, chị cứ đòi chia sẻ công việc chăm sóc người bệnh.

Mọi việc cứ diễn ra êm ả cho đến khi tác giả nghe được tin dữ từ Stroeve. Blanche đã tử tự. Tác giả không hiểu nỗi sau tại sao chị ta có thể yêu được cái gã Strickland cọc tính kia mà quyết định bỏ cả chồng. Tại sao Strickland lại có thể đền đáp lại lòng tốt của người đã chăm sóc tận tình cho mình lúc ốm đau bằng việc cướp vợ của anh ta. Vâng, cô Blache đã quyết định quyên sinh bằng lọ axit oxalic khi Strickland bỏ đi sau một thời gian chung sống với nhau. Người đàn ông tội nghiệp đã níu kéo chị vợ trong tuyệt vọng giờ đây phải chăm lo tang lễ cho cô. Sau biến cố ấy, anh rời bỏ Pari về Hà Lan. Điều khó hiểu ở đây là anh muốn Strickland cùng đi với mình. Có lẽ vì quá ngưỡng mộ tài năng của ông ấy, tình yêu nghệ thuật đã chiến thắng thù hận.

Chúng ta không biết được Strickland đã suy nghĩ gì, có lẽ một sự khát khao vô hạn không tên ám ảnh lấy ông, khao khát tìm kiếm sự giải thoát khỏi cái tâm hồn đang hành hạ mình. Cái tâm hồn mệt mỏi rã rời ấy tìm thấy nơi trú ẩn trong vòng tay một người đàn bà, trong cái gọi là tình yêu. Và khi không thể tìm thấy bất kì sự yên nghỉ nào, ông ghét bỏ chị ta và rời đi một cách phũ phàng. Một lần nữa cái khao khát đưa đẩy ông đến Tahiti. Ở đây, ông có một gia đình mới rồi chết đi vì bệnh cùi. Cái chết khủng khiếp và cô độc.

Trong căn chòi nơi ông ở, toàn bộ bức tường đầy những tranh vẽ của ông bị đốt cháy chìm trong biển lửa. Điều đáng buồn khi ông chết đi, những tác phẩm của ông mới được chú ý và nhận được sự công nhận từ giới nghệ thuật. Không ai có thể biết được quá trình sáng tác và cực khổ của ông ra sao. Cũng không ai rõ ông phải chịu đựng sự hoài nghi bản thân thế nào? Chỉ có thể suy đoán qua những lời ông nói.

-Nhìn lại năm năm qua ông có nghĩ rằng sống như vậy là đáng sống không? Tôi hỏi

Ông ta nhìn tôi và tôi thấy ông không hiểu điều tôi muốn nói. Tôi giải thích:

-Ông đã bỏ một gia đình đầm ấm, một cuộc sống tương đối hạnh phúc. Hồi đó ông làm ăn khá phát đạt. Trông có vẻ ông đã phí thời giờ vô ích ở Pari này. Vậy nếu được sống lại những năm tháng đó, ông có làm điều ông đã làm không?

-Nhất định thế.

Ước mơ của Strickland ngay từ đầu đã phù phiếm nhưng không sao, ông chẳng bận tâm đến những lời người xung quanh gièm pha, dè bỉu. Ông chọn đi theo tiếng gọi con tim và chưa từng một lần có ý từ bỏ. Đó chính là phẩm chất của một thiên tài.


Hạn Vũ


49 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page